VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 141
LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐIỆN HẠT NHÂN VIỆT NAM

Việt Nam đã có sự chuẩn bị lâu dài cho chương trình điện hạt nhân và  đang trong quá trình triển khai dự án xây dựng nhà máy  điện hạt nhân  đầu tiên với tổng công suất 4000MW. Dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ đi vào vận hành phát điện thương mại vào năm 2020. Trong số các công việc cần chuẩn bị thì nguồn nhân lực là một hạ tầng quan trọng cần được quan tâm đi trước một bước.

 Sơ đồ cho nhu cầu nhân lực 

 Nhu cầu nhân lực cho việc thực hiện chương trình điện hạt nhân ở giai đoạn đầu từ nay đến 2020 bao gồm: Nguồn nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận; Nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật; Nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; Nguồn nhân lực cho các hoạt  động giáo dục và đào tạo hạt nhân.
Nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thời điểm cần từ 6000 – 10.000 người làm việc trên công trường tùy theo quy mô của dự án. Nguồn nhân lực này chủ yếu là công nhân,  do các nhà thầu xây dựng  đảm nhận và sẽ huy  động những người từng làm việc ở các công trình công nghiệp lớn như thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than, công trình giao thông cầu đường. Những lao động này ở Việt Nam khá nhiều và tương đối có kinh nghiệm trong thi công những công trình trọng điểm quốc gia. Vấn đề cần quan tâm đối với dự án chính là đội ngũ cán bộ quản lý dự án các cấp và cán bộ vận hành bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.
Các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN), Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn công nghiệp, Cục Bảo vệ môi trường sẽ tham gia quản lý chương trình điện hạt nhân theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này. Nguồn nhân lực của các cơ quan này về cơ bản đã có, tuy nhiên cần có kế hoạch bổ sung và đào tạo thêm kiến thức về hạt nhân để có thể thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước  đối với dự án điện hạt nhân.
Nhân lực R&D ở giai đoạn ban đầu khi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được thực hiện theo phương thức hợp đồng chìa khoá trao tay với nước ngoài chưa cần nhiều, chỉ cần một số chuyên gia có trình độ tham gia vào quá trình tư vấn lựa chọn công nghệ; xây dựng báo cáo đầu tư, lập dự án đầu tư và làm nòng cốt trong quá trình nội địa hoá công nghệ sau này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án chúng ta sẽ từng bước xây dựng và phát triển  đội ngũ cán bộ R&D  để thực hiện thành công chủ trương tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ  điện hạt nhân trong tương lai như  đã được nêu trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Đội ngũ cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cần được quan tâm phát triển để có đủ năng lực tham gia phân tích,  đánh giá, thẩm  định an toàn dự án  điện hạt nhân và kiểm  định an toàn công trình xây dựng và các cấu kiện của nhà máy trước khi cấp phép cho dù chúng ta có thể sẽ thuê tư vấn nước ngoài để thẩm định an toàn. Đây là đội ngũ cán bộ có kiến thức và hiểu biết sâu về an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, chuẩn đo lường bức xạ và hạt nhân, đánh giá tác động môi trường phóng xạ của các cơ sở hạt nhân và có chuyên môn về kỹ thuật đánh giá không phá huỷ (NDE). Phần lớn lực lượng này  đang làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN). Vì vậy, cùng với việc nâng cao năng lực về cơ sở vật chất cho công tác hỗ trợ kỹ thuật thì cũng cần có một kế hoạch cụ thể để đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ này, gắn với lộ trình của dự án điện hạt nhân đầu tiên.
Nhân lực cho các cơ sở  đào tạo về hạt nhân  ở các trường  đại học trong nước còn  đang thiếu và yếu. Tuy nhiên cần xác định rõ các đặc thù của công tác đào tạo cán bộ ngành năng lượng nguyên tử trong từng trường đại học để có kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cho các cơ sở đào tạo này.
Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực 
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các cơ quan nêu trên cần có một kế hoạch tuyển dụng và đào tạo phù hợp cho mỗi loại cơ quan khác nhau.
Cán bộ quản lý dự án cần tuyển những người đã có kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án công nghiệp lớn và đào tạo bổ sung kiến thức về hạt nhân cho họ để họ có thể tham gia quản lý dự án điện hạt nhân.
Cán bộ vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân nên tuyển dụng cán bộ đã có kinh nghiệm vận hành các nhà máy nhiệt điện và cán bộ có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà lạt. Phương án tốt nhất đào tạo kỹ sư trưởng của nhà máy điện hạt nhân là lấy cán bộ có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà lạt đi đào tạo thành kỹ sư trưởng nhà máy điện hạt nhân sau này. Đối với cán bộ vận hành nhà máy nhiệt điện cần được  đào tạo bổ sung kiến thức về hạt nhân trước khi cử  đi  đào tạo vận hành nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.
Công nhân kỹ thuật làm việc trên công trường xây dựng nhà máy  điện hạt nhân có thể tuyển dụng từ các công trình công nghiệp khác của quốc gia, nhưng cũng cần được đào tạo những kiến thức cơ bản về hạt nhân  để họ có  được những kiến thức cơ bản về hạt nhân khi tham gia thực hiện dự án điện hạt nhân. Đối với một số công việc họ cần phải có các chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ  ứng dụng năng lượng nguyên tử  để tham gia trong công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy cần có cơ sở đào tạo về các loại hình dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Đối với các cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước cần tuyển dụng bổ sung các cán bộ tốt nghiệp ngành hạt nhân hoặc điều chuyển các cán bộ đang làm việc tại Viện NLNTVN để đảm bảo nhu cầu cấp bách về nhân lực cho các cơ quan này. Đồng thời, phải có các chương trình huấn luyện,  đào tạo chuyên sâu riêng cho các chức danh của các cơ quan quản lý nhà nước này. Một số chức danh cần có chứng chỉ nhân viên bức xạ chuyên ngành hoặc phải qua các khóa huấn luyện chuyên sâu ở trong và ngoài nước.
Cán bộ R&D của Viện NLNTVN cần được quy hoạch cụ thể cho các hướng về điện hạt nhân và có các chương trình đào tạo phù hợp trước khi cử đi đào tạo trong khuôn khổ dự án chuyển giao công nghệ nhà máy  điện hạt nhân với  đối tác cung cấp công nghệ cho Việt Nam. Đối với dự án điện hạt nhân Ninh thuận 1 thì đối tác là Liên bang Nga. Hiện nay, Viện NLNTVN đã quy hoạch các hướng về công nghệ điện hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu lò phản ứng và quản lý chất thải phóng xạ. Tuy nhiên cần chi tiết hóa hơn các hướng chuyên môn này và quy hoạch các chức danh cụ thể cho từng nhóm nghiên cứu để có kế hoạch đào tạo dài hạn ở trong và ngoài nước
Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật đã được Viện NLNTVN quy hoạch cho các hướng về an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, chuẩn đo lường bức xạ và hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, đánh giá tác  động môi trường phóng xạ,  ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Tuy nhiên cũng cần chi tiết hóa hơn các hướng chuyên môn này để có kế hoạch đào tạo phù hợp ở trong và ngoài nước.
Cán bộ giảng dạy ở các khoa, bộ môn về hạt nhân trong các trường đại học đang là vấn đề lớn. Trước mắt các trường nên hợp tác với Viện NLNTVN để tận dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện phục vụ công tác đào tạo. Về lâu dài các trường cần có kế hoạch nâng cao năng lực đào tạo của mình cả đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật tùy thuộc vào đặc thù đào tạo của cơ sở mình.
Để có thể tuyển dụng và đào tạo cán bộ cho các cơ quan khác nhau tham gia chương trình điện hạt nhân, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và đào tạo đều đã xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguôn nhân lực cho các cơ quan có liên quan của mình. Tuy nhiên các kế hoạch này phải sớm được phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Trong việc triển khai các kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực thì ở giai đoạn đầu này phải đặc biệt coi trọng việc quy hoạch và bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ hạt nhân mà chúng ta đã xây dựng được trong hơn 30 năm qua tại Viện NLNTVN (trên 700
người) và Cục ATBXHN (50 người). Đây là đội ngũ cán bộ rất đáng quý sẽ tham gia vào các nhiệm vụ của chương trình điện hạt nhân như đã nêu ở trên.  Ngoài ra, các trường đại học trong nước (4 trường) và các viện nghiên cứu hàng năm đào tạo khoảng 50 sinh viên, 20 thạc sỹ và 10 tiến sỹ chuyên ngành hạt nhân. Đây cũng là nguồn bổ sung nhân lực rất tốt cho các cơ quan tham gia vào chương trình điện hạt nhân như đã nêu trên.
Thành lập Trung tâm đào tạo chuyên ngành hạt nhân 
Để triển khai các kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực cần phải có các hình thức đào tạo khác nhau ở trong và ngoài nước. Loại hình đào tạo qua công việc tại Trung tâm đào tạo chuyên ngành hạt nhân của Viện NLNTVN và  ở nước ngoài cần  được  ưu tiên hàng đầu. Trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ nòng cốt tham gia trong chương trình điện hạt nhân quốc gia trước khi gửi đi đào tạo ở nước ngoài, đào tạo bổ túc kiến thức hạt nhân cho các cán bộ không phải chuyên ngành hạt nhân tham gia thực hiện dự án  điện hạt nhân,  đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ  ứng dụng năng lượng nguyên tử và chứng chỉ nhân viên bức xạ, đào tạo chuyên sâu một số chuyên ngành cần thiết cho thực hiện dự án điện hạt nhân. Bắt đầu từ tháng 8/2007, Viện NLNT Việt Nam đã tổ chức các khoá huấn luyện cơ bản 9 tháng về hạt nhân cho các cán bộ trẻ mới tuyển vào làm việc trong Viện để tạo nguồn lực cho phát triển dài hạn.
Với tiềm lực và kinh nghiệm còn hạn chế, hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng để thực hiện thành công chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Trung tâm. Theo  đó, Trung tâm sẽ mời các chuyên gia nước ngoài (các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân tiên tiến) đến giúp đỡ đào tạo cán bộ trẻ về công nghệ và an toàn điện hạt nhân; sử dụng hiệu quả các kênh hợp tác quốc tế  đã có như IAEA (Cơ quan Năng lượng quốc tế), ANENT (Mạng Giáo dục Công nghệ hạt nhân châu Á), WNU (Đại học hạt nhân thế giới) phục vụ cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân. Thực tế từ năm 2004, Viện NLNT Việt Nam  đã hợp tác với IAEA và các  đối tác nước ngoài tổ chức các khoá huấn luyện cơ bản chuyên về công nghệ và an toàn điện hạt nhân cho các cơ quan khác nhau ở trong nước như Cục ATBXHN, EVN, các trường đại học. Trong thời gian tới Trung tâm đào tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân.
Chính sách về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực 
Cùng với việc thực hiện chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cần phải có các chính sách liên quan đến đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân bao gồm các chính sách về lương và điều kiện làm việc nhằm thu hút lực lượng cán bộ giỏi về làm việc trong ngành hạt nhân và chính sách ưu đãi về đào tạo cán bộ hạt nhân.  Ngày 25 tháng 1 năm 2010 Chính phủ  đã ban hành Nghị  định hướng dẫn chi tiết một số  điều của Luật Năng lượng nguyên tử, trong đó đã đề cập đến các chế độ chính sách này. Theo đó, người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bậc đại học và sau đại học được Nhà nước trả chi phí đào tạo và cấp học bổng nếu học ở trong nước và hỗ trợ chi phí đào tạo nếu học  ở nước ngoài. Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đạt từ loại giỏi trở lên được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử của Nhà nước. Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước  được hưởng phụ cấp  ưu  đãi nghề nghiệp với mức tối  đa là 70% theo mức lương ngạch bậc. Chuyên gia trình  độ cao ngành NLNT làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước  được hưởng các chế  độ  ưu  đãi  đặc biệt về  ưu  đãi tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí chủ trì các nhiệm vụ khoa học và quản lý, điều kiện làm việc, xếp lương phù hợp với kinh nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn, phương tiên đi lại và nhà ở,… Vấn đề hiện này là các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trưởng ban hành các thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa các chính sách nêu trên.
Kết luận 
Nguồn nhân lực có vai trò cực kỳ quan trọng đối với thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân. Nhà nước và các ngành, các cấp đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đã có những hành động cần thiết như xây dựng các kế hoạch đào tạo, cơ sở đào tạo và chính sách về đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn chưa được phê duyệt và việc cụ thể hóa các chính sách còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, việc tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa có sự điều hành thống nhất của cả quốc gia  để  điều phối sử dụng các nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu chung của chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia. Do đó, cần đẩy nhanh quá trình phê duyệt các kế hoạch, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn liên quan và tập trung sự chỉ đạo chung về đào tạo phát triển nguồn nhân lực vào Ban chỉ đạo nhà nước về phát triển điện hạt nhân. Nếu làm tốt các việc này thì chúng ta có thể chủ động trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân, một nhân tố đảm bảo cho sự thành công của Chương trình.