VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 76

     Trong 19 vấn đề mà các nước mới bước vào con đường phát triển điện hạt nhân phải thực hiện, nổi lên 4 vấn đề cơ bản: Sự cam kết của chính phủ, vấn đề kỹ thuật, vấn đề pháp quy và vấn đề quan hệ công chúng. Việt Nam đã thực hiện điều này như thế nào trong chương trình phát triển điện hạt nhân? Ảnh hưởng của hợp tác quốc tế đến đến các vấn đề này ra sao?

 Cần chuẩn bị kỹ lưỡng

     Trong chuyến công tác thực địa tại Ninh Thuận mới đây, ông Drozdov – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử (ROSATOM) – Liên bang Nga, cho hay: Gần đây, ROSATOM bắt đầu nhận được nhiều câu hỏi từ phía Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt. Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, vấn đề chính là làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng. Vì thế, Việt Nam không nên quá vội vàng, gấp gáp, vì đây là dự án lớn, thời gian sử dụng dài, tới vài thập kỷ. Năng lực phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đang dần thay đổi, nếu như so với cuối năm 2014, tại TP Hồ Chí Minh, ông Drozdov đề cập đến hợp tác đào tạo nhân lực cho Việt Nam, song ông biết cần giúp những gì, lĩnh vực nào.

     Một trong những ưu tiên của hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới là hợp tác phát triển tiềm lực, xây dựng cơ sở nghiên cứu mới và hiện đại, triển khai dự án hợp tác với Nga xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu tiếp thu công nghệ, vận hành, bảo dưỡng lò phản ứng nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân, cung cấp các dịch vụ khoa học và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhà máy điện hạt nhân sau này, Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân cũng nghiên cứu các định hướng ứng dụng vật lý hạt nhân, hoá học phóng xạ, sinh học phóng xạ, y học hạt nhân, khoa học vật liệu… Đồng thời, Trung tâm cũng là nơi thực hiện sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dược chất đánh dấu cho y tế, chế tạo vật liệu bán dẫn cho ngành công nghiệp điện tử, triển khai các dịch vụ và chuyển giao công nghệ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đây là hướng cơ bản mà hiện nay Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) đang tiến hành.

Ngày 3-2-2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thông tin tuyên truyền năng lượng hạt nhân giai đoạn 2015-2020.

     Về mặt pháp lý, ngày 3/2/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử của Nga (ROSATOM) đã ký bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực thông tin đối với các dự án chung trong ngành công nghiệp điện hạt nhân. Đến cuối tháng 5/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ và ROSATOM cũng đã ký bản Kế hoạch hợp tác năm 2015 về thông tin điện hạt nhân, nhằm hiện thực hoá bản ghi nhớ này.

     Cùng với đó, ngày 30/7/2015, Moscow và Hà Nội cũng đã tiến hành công khai bước đi nhằm xúc tiến việc xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Công ty Liên hợp ASE – NIAEP trực thuộc ROSATOM và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Mở rộng hợp tác

     Chính sách nhất quán của Việt Nam là phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, đảm bảo an toàn, an ninh. Song việc sử dụng năng lượng nguyên tử an toàn, an ninh vì mục đích hoà bình là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các nước đều mong muốn xây dựng và thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để có thể kiểm soát, phòng ngừa những nguy cơ mất an toàn, an ninh và sử dụng năng lượng nguyên tử vào các mục đích phi hoà bình.

     Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) những năm qua đã giúp Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đáp ứng mục tiêu quốc gia trong khu vực khác nhau của ứng dụng hạt nhân và điện hạt nhân, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên khác. UAE đang tiến triển tốt trong việc phát triển chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình để giải quyết các nhu cầu điện trong nước ngày càng tăng. UAE bắt đầu việc xây dựng tổ máy 1 “Barakah” nhà máy điện hạt nhân vào năm 2012, và tổ máy 2 vào tháng 5/2015, trở thành quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia mới bước vào con đường xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã bắt đầu việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vòng 27 năm.

     UAE không chỉ là một trong những thành viên đầu tiên thích nghi với hướng dẫn tích hợp IAEA cho sự phát triển của chương trình năng lượng hạt nhân mới, UAE đã thực hiện nó với nỗ lực lớn để thiết lập một chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình thành công và bền vững, bằng cách làm việc tập trung, có sự hợp tác chặt chẽ với các IAEA và với các đối tác quốc tế.

     Đại sứ Hamad Al Kaabi, đại diện thường trực của UAE tại IAEA có văn phòng tại Vienna nhận định: IAEA đóng một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình nhằm thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, đây là một khía cạnh quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu ngày nay, góp phần trực tiếp vào sự phát triển kinh tế đát nước. Hơn nữa, IAEA đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực và trao đổi chuyên gia/ chuyên môn trong các ứng dụng hạt nhân, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng cần thiết trong các nước thành viên. Sự tham gia của IAEA với vai trò này đã góp phần đáng kể trong việc phát triển và mở rộng trong việc sử dụng hòa bình công nghệ hạt nhân khi đảm bảo sự phát triển phi hạt nhân.

      Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chưa có kinh nghiệm trong phát triển nguồn năng lượng này, nên việc hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là việc quan trọng và là ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, các tổ chức quốc tế và khu vực coi việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế như là giải pháp tăng cường và mở rộng vai trò, ảnh hưởng của mình. Đối với các nước có nền khoa học và công nghệ, công nghiệp hạt nhân phát triển, thông qua hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, tăng lợi ích kinh tế, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân.

     Việt Nam là quốc gia thành viên của AEA, Tổ chức Hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học – công nghệ hạt nhân (RCA), Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA). Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử với hầu hết các nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến, có nền công nghiệp điện hạt nhân hàng đầu trên thế giới. Ngày 6/5/2014, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, gọi tắt là Hiệp định 123, có hiệu lực từ ngày 15/10/2015. Việc ký Hiệp định 123 đã tạo khung pháp lý cho các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử – đặc biệt là điện hạt nhân. Việt Nam đã ký với Liên bang Nga và Nhật Bản các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, trong đó Nga là đối tác Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhật Bản là đối tác Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Ngày 6/5/2014, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, gọi tắt là Hiệp định 123, có hiệu lực từ ngày 15/10/2015. (Ảnh: TTXVN)

     IAEA đã đưa ra bộ hướng dẫn gồm 19 hạng mục khác nhau để các quốc gia trên thế giới tham khảo khi bắt đầu xây dựng điện hạt nhân. Theo Khung chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng, tăng cường năng lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. IAEA đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật. Trong giai đoạn 2012-2013, ngân sách mà IAEA hỗ trợ cho các dự án này là khoảng 1 triệu Euro, trong đó bao gồm cả dự án phát triển hạ tầng, an toàn điện hạt nhân. Ngoài ra, IAEA cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án về năng lượng nguyên tử như nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm, hay dự án quản lý chất lượng thực phẩm cho xuất khẩu.

     Giám đốc IAEA, ông Omano trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, đã khẳng định “sẵn sàng hỗ trợ” các nước phát triển điện hạt nhân an toàn, an ninh và bền vững. Nhận định Việt Nam thời gian qua đã có nhiều tiến bộ trong việc này như lập báo cáo khả thi, nhưng ông Omano cũng nói “còn nhiều việc phải làm” để có thể thành công trong điện hạt nhân. Vì vậy, một trong những mục đích mà Giám đốc IAEA đến Việt Nam là để làm thế nào tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong phát triển hạt nhân.

     “Tôi cũng đã nhận được cam kết vững chắc từ phía lãnh đạo Việt Nam về vấn đề này. Bản thân tôi cũng khẳng định rằng, chúng tôi sẽ làm mọi việc để giúp Việt Nam tiến hành thành công dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, ông Omano nói. Theo ông, IAEA sẽ cử đoàn công tác, khảo sát, đánh giá gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới tới Việt Nam theo đề nghị của Việt Nam để thảo luận các vấn đề như cơ sở hạ tầng, an toàn và các vấn đề khác liên quan đến năng lượng hạt nhân. Từ đó, IAEA sẽ biết Việt Nam cần gì và Việt Nam cũng có thể học hỏi chuyên gia quốc tế những kinh nghiệm tốt trong việc phát triển điện hạt nhân. IAEA cũng có kế hoạch đưa đoàn công tác trên sang Việt Nam hàng năm để giúp Việt Nam ứng dụng năng lượng nguyên tử.

     Theo IAEA, thông tin và tuyên truyền là 1 trong 19 vấn đề phát triển cơ sơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Công tác thông tin tuyên truyền có vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng hợp tác quốc tế về truyền thông điện hạt nhân. Hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới cũng nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên đào tạo dài hạn, chuyên sâu một số cán bộ nghiên cứu khoa học ở một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Nga… các nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến, để sau khi về nước các cán bộ được đào tạo có đủ khả năng lãnh đạo các nhóm nghiên cứu phục vụ cho chương trình điện hạt nhân.

Nguồn: nangluongvietnam.vn

Tài liệu tham khảo:

1. http://uae-mission.ae

2. http://www.gov.vn

3. Lê Doãn Phác